“Thần đèn” Đỗ Quốc Khánh nói gì về nhà nghiêng như tháp Pisa ở Hà Nội? (BizLive, 8/2016)

(BizLive.Vn)  “Lời giải cho trường hợp này đang bị va quệt vào những bất ổn trong khung pháp lý và quy định của Việt Nam. Vấn đề ở đây liên quan đến cả tranh chấp xây dựng, không có hướng dẫn, nhiều lỗ hổng nên dẫn đến việc “đóng băng” nhiều năm liền mà không giải quyết được”.

“Thần đèn” Đỗ Quốc Khánh nói gì về nhà nghiêng như tháp Pisa ở Hà Nội?

“Thần đèn” Đỗ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Xử lý lún nghiêng Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề nhà nghiêng như tháp Pisa số 177, ngõ Quan Thổ 1, phường Ô Chợ Dừa (Đống Đa, Hà Nội) đang gây nhiều lo lắng cho người dân, phóng viên BizLIVE đã có cuộc trao đổi với “thần đèn” Đỗ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Xử lý lún nghiêng Việt Nam, người được biết đến là “cha đẻ” về vấn đề lún nghiêng và các công nghệ xử lý lún nghiêng hiện nay.
Thưa ông, được biết ông đã từng nhiều lần đến ngôi nhà nghiêng số 177 kiểm tra và khảo sát. Vậy ông có thể cho biết hiện nay ngôi nhà này đang gặp vấn đề gì?
Vấn đề về nhà nghiêng số 177 xảy ra lâu rồi và tôi cũng đã đến nhà này để kiểm tra và khảo sát nhiều lần rồi. Hiện tại, nhà số 177 đang nghiêng sang nhà hàng xóm khoảng 75 phân. Để dựng thẳng lại ngôi nhà này thì nhà bên cạnh là nhà 179 phải làm đồng thời vì hai nhà này chung móng.
Nhưng vấn đề là hai nhà liền kề bên cạnh là nhà 181 và 183 đang ngả đầu sang. Muốn chỉnh lại nhà 177 thì phải chỉnh cùng lúc hai nhà 181 và 183 rồi đến nhà 179.
Tuy nhiên, 4 nhà này không đạt được sự đồng thuận dù quận đã tổ chức nhiều cuộc họp trước đó. Một số nhà không chịu sửa lại bởi lý do, nếu nhà 177 bị nghiêng thì 3 nhà kia tựa vào và vẫn ở trạng thái cảm nhận là an toàn. Kể cả trong trường hợp nhà 177 bị đổ, thì nó sẽ chạm vào nhà hàng xóm đối diện, sau đó nó sẽ đứng yên lại, nghĩa là không có chuyện sập đổ như trường hợp nhà 43 Cửa Bắc vừa qua.
p1120191 unms

Nhà nghiêng như tháp Pisa giữa lòng Hà Nội. Ảnh: T.Nhung.
Vậy trong trường hợp này, chính quyền quận có thể cưỡng chế những nhà đó hay không, thưa ông?
Tôi được biết, theo Luật dân sự Việt Nam, nếu giải quyết theo con đường hành chính, thì chính quyền quận chưa đủ căn cứ để cưỡng chế, bởi vì những nhà kia không vi phạm, không có lỗi. Trong Luật xây dựng Việt Nam cũng chưa cho phép cưỡng chế. Nếu muốn cưỡng chế thì phải có một cơ quan giám định, họ kết luận rằng nhà cực kỳ nguy hiểm, bắt buộc phải sơ tán. Trong trường hợp này chưa có ai dám bỏ tiền ra thuê một đơn vị giám định như vậy.
Chính quyền khó cưỡng chế, vậy chủ nhân ngôi nhà số 177 có thể kiện các nhà khác ra tòa để giải quyết việc này hay không?
Đúng là theo luật ở nhiều nước châu Âu hay Mỹ, họ có thể giải quyết qua đường tòa án. Tức là chủ nhà số 177 sẽ làm đơn kiện những nhà kia, khi người này làm đơn kiện ra tòa thì tòa sẽ xử theo luật, chưa có luật thì sẽ xử theo án lệ. Nếu chưa có án lệ, người ta có thể tự tạo ra án lệ, tòa vẫn có thể phán quyết được và quyết định của tòa có hiệu lực để cưỡng chế.
Tuy nhiên, với trường hợp này, kể cả có đưa ra tòa xử thì theo tôi trong vòng 4 năm mới xử được. Bởi vì cơ chế của Hà Nội, không có ai lập hồ sơ cho vấn đề này. Cần phải có một bên đứng ra lập hồ sơ cố vấn cho tòa bởi vì tòa án không xử được vấn đề về kỹ thuật. Cho nên người dân không đưa ra tòa là vì thế.
Nhìn chung, từ trước đến giờ tòa cũng chưa xử vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại nào do nhà nghiêng gây ra cả. Có vài vụ tôi theo ở cấp quận thì toàn kết thúc ở hòa giải. Hòa giải không được thì buông. Một nhà ra đi, một nhà ở lại. Rất nhiều trường hợp như vậy.
Tôi cho rằng, lời giải cho trường hợp này đang bị va quệt vào những bất ổn trong khung pháp lý và quy định của Việt Nam. Vấn đề ở đây liên quan đến cả tranh chấp xây dựng, không có hướng dẫn, nhiều lỗ hổng nên dẫn đến việc “đóng băng” nhiều năm liền mà không giải quyết được.
Xin cảm ơn ông!
5/5 - (100 bình chọn)